Giới thiệu về tiềm năng    Thành tựu kinh tế - xã hội    Giới thiệu chung    ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG    Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp   
[Đăng ngày 10/08/2023]


Ngày 18/7/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Công dân số 46/HD-BTGTU hướng dẫn công tác tuyên truyền Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn các nội dung tuyên truyền, cụ thể như sau:

 1. Tuyên truyền ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của việc lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, là cơ sở pháp lý, tiền đề quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị.

2. Tuyên truyền nội dung cốt lõi của Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch số 3025/KH-UBND, ngày 31/3/2023 của UBND tỉnh Khánh Hòa, tập trung những nội dung cơ bản sau:

 - Tuyên truyền 6 quan điểm phát triển tỉnh Khánh Hòa

 + Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng.

+ Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực Duyên hải Trung Bộ.

+ Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 + Sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên.

+ Tạo đột phá trong phát triển cơ sở hạ tầng và hoàn thiện thể chế nhằm huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.

+ Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa phải trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo vững chắc quốc phòng và an ninh.

 - Tuyên truyền mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực Duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. GRDP bình quân đầu người phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế. Nhân dân được hưởng thụ mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc. Hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; có năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

- Tuyên truyền 4 đột phá phát triển tỉnh Khánh Hòa:

+ Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt cơ chế chính sách đặc thù do Quốc hội ban hành nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là để phát triển đột phá 03 vùng trọng điểm - động lực phát triển của tỉnh - là khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh.

+ Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho những ngành quan trọng như du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics, cảng biển, thủy sản và hậu cần nghề cá, công nghệ thông tin.

+ Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế biển như hải dương học, công nghệ đại dương, công nghệ sản xuất giống thủy sản, công nghệ nuôi trồng và chế biến thủy sản, vaccine và sinh phẩm y tế, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ du lịch... Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp sáng tạo.

 + Tăng cường đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, cảng biển, cảng hàng không và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu của tỉnh đồng bộ với hạ tầng dữ liệu Quốc gia, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

- Tuyên truyền phương án phát triển ba vùng động lực

+ Khu vực vịnh Vân Phong: Phát triển khu vực vịnh Vân Phong (Khu Kinh tế Vân Phong) trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, địa bàn động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; định hướng lâu dài phát triển khu phi thuế quan và cảng trung chuyển quốc tế khi có đủ điều kiện. Khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các khu công nghiệp, công nghiệp năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí, đóng tàu, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ,... cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.

 + Thành phố Nha Trang: Phát triển thành phố Nha Trang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trường quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.

+ Khu vực vịnh Cam Ranh: Phát triển khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; trong đó phát triển thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

- Tuyên truyền phương án tổ chức bốn hành lang kinh tế

+ Hành lang kinh tế Bắc - Nam: Là một bộ phận của hành lang kinh tế Bắc - Nam của quốc gia. Đây là hành lang kinh tế chủ đạo của tỉnh Khánh Hòa, gắn với trục giao thông Bắc - Nam, kết nối 03 vùng động lực phát triển, kết nối chuỗi đô thị ven biển, các hạ tầng cửa ngõ như cảng biển, cảng hàng không...

+ Hành lang kinh tế  Đông - Tây (trên cơ sở trục giao thông Quốc lộ 26, Quốc lộ 26B và Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột): Kết nối khu vực phát triển đô thị, các trung tâm dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp ven biển với khu vực nội địa của tỉnh; kết nối khu vực Nha Trang - Vân Phong với tỉnh Đắk Lắk. + Hành lang Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh (trên cơ sở Quốc lộ 27C và cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng): Tăng cường hiệu ứng lan tỏa phát triển từ thành phố Nha Trang; kết nối tổng hợp cả về đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp; kết nối khu vực Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Vĩnh với tỉnh Lâm Đồng.

Hành lang Cam Ranh - Cam Lâm - Khánh Sơn (trên cơ sở đường ĐT.656): Kết nối, lan tỏa phát triển từ khu vực ven biển, đồng bằng với trọng tâm là thành phố Cam Ranh và đô thị mới Cam Lâm với khu vực miền núi Khánh Sơn; kết nối về du lịch biển - đảo với du lịch sinh thái núi, rừng, văn hóa; kết nối giữa nông nghiệp - công nghiệp chế biến.

 - Tuyên truyền các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch: (1) Giải pháp huy động, sử dụng vốn đầu tư. (2) Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển. (3) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực. (4) Giải pháp về môi trường, khoa học công nghệ. (5) Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn. (6) Giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch. 4. Thường xuyên theo dõi theo dõi, nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với việc lập và triển khai Quy hoạch tỉnh; chủ động kiến nghị giải quyết sớm những vấn đề vướng mắc phát sinh, tránh xảy ra “điểm nóng”, góp phần đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội. Đấu tranh, xử lý nghiêm với các thông tin sai sự thật, quan điểm sai trái, xuyên tạc làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội./.

[Đăng ngày 10/07/2022]






Trong các ngày 6 và 7-7, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong phối hợp cùng UBND huyện Vạn Ninh tổ chức các hội nghị Lấy ý kiến cộng đồng dân cư về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đối với người dân tại 12 xã, thị trấn nằm trong Khu Kinh tế Vân Phong trên địa bàn huyện Vạn Ninh. 

Tại hội nghị, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã thông tin đến cử tri tiến độ triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và nghe đơn vị tư vấn thiết kế thông tin giới thiệu về Đồ án. Theo đó, Khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000 ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.000 ha thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hoà; khu kinh tế được chia thành 19 phân khu, trong đó tại huyện Vạn Ninh có 13 phân khu nằm trên địa bàn 12 xã, thị trấn (trừ xã Xuân Sơn) và được định hướng trở thành khu đô thị du lịch biển cao cấp. 

Cử tri các địa phương đồng tình, thống nhất cao và mong muốn đồ án sớm được triển khai để đưa kinh tế - xã hội của huyện Vạn Ninh ngày càng phát triển và đời sống người dân được nâng cao hơn trong thời gian tới; đồng thời, cử tri kiến nghị các cấp, các ngành, khi thu hồi đất phục vụ các dự án cần có chính sách hỗ trợ, tái định cư phù hợp và quan tâm tạo sinh kế, đảm bảo an sinh xã hội để giúp cuộc sống người dân ổn định và ngày càng tốt hơn.


[Đăng ngày 29/09/2020]

Ngày 17-9, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng các sở, ban, ngành đi kiểm tra 2 dự án nhà máy điện mặt trời: KN Vạn Ninh (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) và Long Sơn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa). 

 Đẩy nhanh tiến độ

 Chỉ còn hơn 3 tháng nữa để các dự án điện mặt trời kịp hòa lưới trong năm 2020 nhằm hưởng chính sách ưu đãi. Chính vì vậy, đây là giai đoạn các dự án phải đẩy tiến độ một cách nhanh nhất. Tại dự án Nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh (công suất 100MWp, diện tích 120ha, tổng mức đầu tư 2.489 tỷ đồng), hầu hết các hạng mục xin cấp phép đầu tư đã cơ bản hoàn tất. Công tác đo đạc xác định ranh giới, xác minh nguồn gốc và kiểm kê thiệt hại đối với các hộ gia đình, tổ chức nằm trong ranh giới dự án đã xong. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang tích cực phối hợp với UBND huyện Vạn Ninh và Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các công tác liên quan đến thẩm định đơn giá đền bù. Riêng tuyến đường dây đấu nối vào lưới 110kV, chủ đầu tư vừa hoàn tất công tác đo đạc, xác lập ranh giới và thống kê khối lượng bị ảnh hưởng. Công tác thi công cọc móng và giá đỡ pin hiện đã hoàn thành 85% khối lượng; 25% số lượng tấm pin hiện được tập kết tại dự án. Dự kiến khoảng 59 ngày nữa, Nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh sẽ chính thức phát điện thương phẩm. 

 

 Dự án điện mặt trời Long Sơn đang thi công.


Tương tự, Nhà máy điện mặt trời Long Sơn (công suất 170MWp, tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng) hiện cũng đã giải phóng 100% mặt bằng. Công tác san gạt mặt bằng dự án và thi công đường nội bộ đã hoàn thành. Đến ngày 15-9, dự án thi công được gần 13.000 cọc bê tông để lắp giá đỡ pin. Dự kiến đến ngày 20-10 sẽ hoàn thành việc đổ cọc cho giá đỡ và ngày 30-11 hoàn tất việc lắp pin năng lượng. Chủ dự án phấn đấu đến ngày 10-12 chính thức phát điện thương mại.

 Ông Nguyễn Tấn Tuân đánh giá: “Với tiến độ đã đạt được thể hiện sự cố gắng của các chủ đầu tư. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các dự án vẫn đạt được một khối lượng công việc đáng kể. UBND tỉnh biểu dương sự cố gắng của các doanh nghiệp, chính quyền địa phương. Đặc biệt, tỉnh ghi nhận sự đồng lòng và ủng hộ dự án của người dân bị ảnh hưởng”.

 Sớm giải quyết các vướng mắc 

 Hiện nay, chủ đầu tư đã và đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công, song do nhiều yếu tố khiến các dự án điện mặt trời vẫn gặp một số vấn đề. Thời hạn còn lại để đưa dự án vào vận hành thương mại nhằm hưởng giá bán điện ưu đãi chỉ còn hơn 3 tháng. Điều này vô cùng khó khăn, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Để có thể phát điện trước ngày 31-12-2020 (thời gian được hưởng chính sách ưu đãi), các doanh nghiệp mong muốn chính quyền các cấp tạo điều kiện để tháo gỡ các vướng mắc đang gặp phải. Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Điện mặt trời KN Vạn Ninh đề nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt các thông số chính của hạng mục đường dây 110kV đấu nối với dự án và trình HĐND tỉnh trong kỳ hợp sắp tới. Đồng thời kiến nghị, UBND huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa bổ sung hạng mục công trình này vào kế hoạch sử dụng đất để doanh nghiệp tiến hành đền bù. Về các thủ tục, chủ đầu tư cũng đề nghị các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp tạo điều kiện, linh động để dự án triển khai thông suốt.

 

Dự án Nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh. 

 Công ty Cổ phần Năng lượng Long Sơn cũng đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan liên quan quan tâm hơn nữa trong lĩnh vực an ninh trật tự, vận động người dân địa phương ủng hộ dự án. Ngoài ra, công ty cũng trình Sở Công Thương hồ sơ xin điều chỉnh 3 vị trí chân cột đấu nối để sở trình UBND tỉnh phê duyệt.   

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng, khi các dự án điện mặt trời đi vào hoạt động sẽ tăng thêm nguồn thu ngân sách cho tỉnh, tạo việc làm cho người dân địa phương. Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế. “Chính vì vậy, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư. Trong đó, các vướng mắc về thủ tục, cơ quan chuyên môn cần sớm tháo gỡ. Phải tạo điều kiện tốt nhất để chủ đầu tư sớm đưa các dự án đi vào hoạt động”, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.

Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa

1


Đang online: 1

Số lượt truy cập: 774110