Giới thiệu về tiềm năng    Thành tựu kinh tế - xã hội    Giới thiệu chung    ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG    Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp   
[Đăng ngày 22/04/2021]

Huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chuẩn bị đầu tư tuyến kè sông Hiền Lương nhằm bảo đảm an toàn cho khu dân cư, chống xói lở và tạo mỹ quan đô thị.

Chỉ mới đầu tư một phần

Kè hạ lưu sông Hiền Lương nằm trên địa bàn thị trấn Vạn Giã và xã Vạn Lương. Tuyến kè phía thị trấn Vạn Giã đã được đầu tư một phần, còn tuyến kè bên bờ đối diện thuộc xã Vạn Lương chưa được đầu tư. Những năm qua, khu vực này bị ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, dẫn đến bờ kè bị xói lở, hở hàm ếch, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

 Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Vạn Lương cho biết, tuy tuyến kè chưa bị sạt lở quá nghiêm trọng nhưng nhiều vị trí xung yếu đã hư hỏng ảnh hưởng đến nhà dân và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay, tại khu vực dự kiến xây dựng kè bờ sông có khoảng 130 hộ sinh sống thuộc khu dân cư Hiền Lương. Do chưa được làm kè nên khu vực này còn nhếch nhác, mất mỹ quan. Nhiều năm qua, người dân đã kiến nghị đầu tư xây dựng kè, nhằm bảo đảm an toàn khi vào mùa mưa bão.

Trong khi đó, phần kè bên thị trấn Vạn Giã đến nay đã xây dựng được một phần, nửa còn lại vẫn chưa được đầu tư ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị. Theo quy hoạch chung thị trấn Vạn Giã, khu trung tâm xây dựng mới nằm giữa sông Bà Bường và sông Hiền Lương. Khu vực này hiện nay là đất ruộng trũng và nuôi trồng thủy sản. Quỹ đất khu vực này tương đối lớn, có giá trị sử dụng cao, có thể chuyển đổi công năng phục vụ cho nhu cầu nhà ở và dịch vụ. Cùng với đó, dọc trục đường ven phía bắc sông Hiền Lương dự kiến làm trung tâm thương mại dịch vụ, du lịch, văn phòng tổng hợp. Nếu khai thác có hiệu quả, dọc trục đường này sẽ tạo động lực phát triển và là điểm nhấn cho khu vực phía nam thị trấn. Những năm qua, hạ tầng cơ sở của địa phương được đầu tư tương đối đồng bộ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tuyến kè dọc sông Hiền Lương mới chỉ được đầu tư một đoạn, phía giáp Quốc lộ 1 chưa được đầu tư. Vì thế, việc đầu tư tuyến kè này đồng bộ với đoạn còn lại sẽ tạo mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường, đồng thời bảo vệ được hạ tầng giao thông tuyến đường phía trong kè.

Sẽ xây kè trong tháng 7

Theo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư của HĐND huyện Vạn Ninh, tuyến kè hạ lưu sông Hiền Lương được bố trí dựa vào điều chỉnh quy hoạch chung của thị trấn Vạn Giã và các khu vực phụ cận huyện Vạn Ninh, giai đoạn đến năm 2025 và Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) khu dân cư Tân Đức Đông. Tuyến kè phía bờ tả: Bắt đầu từ đầu cầu phía bắc cầu Hiền Lương đến vị trí cống tiêu hiện hữu trên đường Trần Hưng Đạo, cách Quốc lộ 1 là 175m, chiều dài tuyến kè khoảng 200m. Tuyến kè bờ hữu có tổng chiều dài khoảng 335m, gồm 2 đoạn: Đoạn 1 bắt đầu từ đầu cầu phía nam cầu Hiền Lương đến vị trí kè đá xây hiện hữu, chiều dài tuyến khoảng 185m; đoạn 2 bắt đầu từ vị trí cuối kè đá xây hiện hữu đến vị trí đầu cầu phía nam cầu Hiền Lương 2, chiều dài khoảng 150m. Kè có kết cấu mái được gia cố bằng tấm bê tông đúc sẵn, bên dưới lót đá dăm và vải lọc. Dọc kè bố trí tăng cường các khung giằng bê tông cốt thép bao các tấm bê tông. Chân kè đổ đá hộc chống xói, bậc cấp phục vụ dân cư lên xuống biển; cống tiêu thoát nước từ khu dân cư ra sông.

Đối với phần đường giao thông: Từ cuối đoạn đường quy hoạch có ký hiệu là E (khu dân cư Tân Đức Đông) nối vào đường dẫn phía nam cầu Hiền Lương 2 (đường số 7), chiều dài khoảng 150m. Đường có chỉ giới xây dựng 16m, mặt đường rộng 10m, còn lại là vỉa hè. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 25 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Ông Huỳnh Ngọc Liêm - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Vạn Ninh cho biết, dự án đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công, sau khi thẩm định sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị thi công, dự kiến tháng 7 sẽ khởi công xây dựng.

Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa

[Đăng ngày 22/04/2021]

Giai đoạn 2016 - 2020, Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cùng Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện, thông qua việc thực hiện cho vay qua các tổ vay vốn.

Hiệu quả từ cho vay qua tổ

Năm 2020, ông Hàng Quang (thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú) vay số tiền 150 triệu đồng từ Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh để đầu tư chăm sóc vườn dừa và chăn nuôi. Vườn dừa của gia đình ông hơn 1ha với 250 gốc, trong đó khoảng 150 gốc từ 4 đến 10 năm tuổi đang cho trái, còn lại là dừa 2 năm tuổi. Nhờ nguồn vốn vay đầu tư chăm sóc kỹ vườn dừa nên cây cho trái nhiều, mang lại thu nhập cho gia đình bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Quang còn sử dụng vốn vay để sửa chữa chuồng trại, mua 2 con bò giống nuôi sinh sản, trị giá 40 triệu đồng; chăn nuôi đàn gà hiện nay khoảng 300 con và đầu tư chăm sóc hơn 1ha lúa. Nguồn vốn vay của Agribank đã giúp gia đình ông Quang có điều kiện phát triển kinh tế, mang lại lợi nhuận cho gia đình khoảng 200 triệu đồng/năm.

 

Nhờ nguồn vốn của Agribank, gia đình bà Lê Thị Thơm (xã Vạn Lương) đầu tư chăm sóc vườn dừa
 và một số loại cây trồng cho thu nhập ổn định.


Ông Châu Văn Xuân - Tổ trưởng tổ vay vốn Chi hội Nông dân thôn Phú Cang 1 cho biết, tổ có 42 thành viên, trong đó người vay thấp nhất 40 triệu đồng, cao nhất 200 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, nuôi cá nước ngọt, trồng cây ăn trái… Khi người dân có nhu cầu vay vốn sẽ được tổ hướng dẫn làm thủ tục, đồng thời phối hợp với cán bộ tín dụng của Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh tiến hành thẩm định về phương án sản xuất trước khi giải ngân. Sau đó, tổ sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn sau giải ngân và nhắc nhở các tổ viên về thời hạn trả lãi và gốc nên trong 5 năm qua, tổ đều không có trường hợp nào nợ quá hạn.


Gia đình bà Lê Thị Thơm (thôn Mỹ Đồng, xã Vạn Lương) vay 150 triệu đồng để chăm sóc vườn cây, trồng lúa và nuôi bò. Hiện nay, gia đình bà Thơm có 2ha lúa 2 vụ và 2ha cây ăn quả với 200 cây dừa, 200 cây mãng cầu dai và các loại cây màu như: Bí chanh, bí đỏ, dưa leo… để lấy ngắn nuôi dài. Ngoài ra, bà Thơm còn đang nuôi 6 con bò sinh sản, trong đó có 2 con sắp đẻ. Đến nay, các loại cây ăn quả đang cho thu hoạch; trong đó cây dừa mang lại thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng, mãng cầu dai 3 triệu đồng/lứa (mỗi năm 2 lứa) và hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao hơn nữa trong những năm tới, 2ha lúa 2 vụ cho lợi nhuận gần 30 triệu đồng/năm, cây màu mang lại thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Bà Thơm chia sẻ: “Nguồn vốn vay của Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh đã giúp gia đình tôi có điều kiện cải tạo, chăm sóc vườn, chăn nuôi mang lại thu nhập cao hơn và ổn định”.

Bà Hồ Thị Biên - Tổ trưởng tổ vay vốn Chi hội Phụ nữ thôn Mỹ Đồng, xã Vạn Lương cho biết, hiện nay, tổ có 44 tổ viên với dư nợ cho vay gần 3,9 tỷ đồng. Nhìn chung, các thành viên trong tổ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích để phát triển chăn nuôi, làm trang trại, làm đồ gỗ mỹ nghệ… và luôn trả nợ đúng hạn. Có được kết quả đó là nhờ tổ đã chú trọng công tác bình xét cho vay, phối hợp với cán bộ tín dụng của ngân hàng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn sau khi được giải ngân.

Bảo đảm chất lượng tín dụng

Bà Nguyễn Hồng Khánh Quỳnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Vạn Ninh cho biết, trên địa bàn huyện có 25 tổ vay vốn của Agribank do hội phụ trách với 611 tổ viên; đến hết năm 2020, dư nợ đạt 50 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này, chị em hội viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thời gian tới, hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để hội viên được tiếp cận vay vốn; đồng thời thường xuyên phối hợp, nhắc nhở các cơ sở hội thực hiện tốt việc giám sát sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, đôn đốc thu hồi nợ đúng hạn cho ngân hàng theo quy định.

Theo ông Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh, đến nay, toàn huyện có 74 tổ vay vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân huyện với 2.080 thành viên; dư nợ đạt hơn 175,65 tỷ đồng. Nhìn chung, công tác cho vay thông qua tổ Nông dân - Phụ nữ tại Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh được triển khai hiệu quả, với tỷ trọng bình quân chiếm hơn 17% tổng dư nợ cho vay của chi nhánh, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp dưới 0,1%. Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, chi nhánh tiếp tục triển khai tốt công tác cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua tổ, đồng thời củng cố kiện toàn lại một số tổ hoạt động kém hiệu quả, nhằm bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn bền vững. Giai đoạn 2021 - 2025, Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển số lượng tổ vay vốn, thành viên tham gia tổ vay vốn; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông và nâng cao hiệu quả phối hợp với các cấp hội trong hoạt động cho vay qua tổ.

Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa

1


Đang online: 7

Số lượt truy cập: 774180