Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra; Thường gặp là Coxsackie vi rút A 16 và Enterovirus 71 (EV 71).
Biểu hiện chính của bệnh TCM là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước. Vị trí là niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Bệnh TCM gặp rải rác quanh năm; gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.
Bệnh TCM có thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày; giai đoạn khởi phát từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
Ở giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3-10 ngày. Triệu chứng điển hình là loét miệng, vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông phát ban dạng phủ nước, tồn tại khoảng dưới 7 ngày; sau đó có thể để lại vết thâm, hiếm khi loét hay bội nhiễm. Trẻ sốt nhẹ, nôn. Nếu sốt cao, nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.
Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh. Thường 3-5 ngày sau là giai đoạn lui bệnh, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Ở thể tối cấp bệnh diễn biến rất nhanh, có các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong 24-48 giờ.
Ở thể không điển hình, dấu hiệu phát ban không rõ, chỉ có loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban và loét miệng.
Các xét nghiệm tại bệnh viện thường là bạch cầu tăng, đường huyết tăng liên quan đến biến chứng. Nếu biến chứng từ độ 2b sẽ xét nghiệm đường huyết, điện giải đồ, X quang phổi. Các xét nghiệm theo dõi thực hiện như đo khí máu, Troponin, siêu âm tim khi nhịp tim nhanh trên 150 lần/ phút. Lấy bệnh phẩm hầu họng, phỏng nước, trực tràng, dịch não tủy để thực hiện xét nghiệm PT-PCR hoặc phân lập vi tút chẩn đoán xác định nguyên nhân.
Chẩn đoán ca lâm sàng dựa vào triệu chứng bệnh TCM và dịch tễ học, căn cứ vào tuổi, mùa, vùng lưu hành bệnh, số trẻ mắc bệnh trong cùng một thời gian.
(Triệu chứng bệnh tay chân miệng)
Chẩn đoán phân biệt các bệnh có biểu hiện loét miệng như viêm loét miệng áp tơ có vết loét sâu, có dịch tiết hay tái phát.
Các bệnh có phát ban da như sốt phát ban có hồng ban xen kẽ ít dạng sẩn, thường có hạch sau tai. Trường hợp dị ứng hồng ban thường đa dạng, không có phỏng nước. Viêm da mủ đỏ, đau có mủ. Thủy đậu phỏng nước nhiều giai đoạn, rải rác toàn thân.
Bệnh TCM gây biến chứng thần kinh, rung giật cơ, giật mình từng cơn ngắn 1-2 giây, chủ yếu ở tay và chân, dễ xuất hiện khi bắt đầu giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa.
Trẻ ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược; đảo mắt, rung giật nhãn cầu, yếu, liệt chi (liệt mềm cấp).
Biến chứng tim mach, hô hấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy thận, trụy mạch. Da nổi vân tím, vã mồ hôi, chi lạnh. Các biểu hiện rối loạn vận mạch có thể chỉ khi trú ở 1 vùng cơ thể (1 tay, 1 chân).
Trẻ khó thở, thở nhanh, rút lõm ngực, khò khè, thở rít thì hít vào, thở nông, thở bụng, thở không đều.
Về phân độ, độ 1 chỉ loét miệng và hoặc tổn thương da. Nếu trẻ có bệnh sử giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám là độ 2a. Chỉ cần có một trong các biểu hiện: giật mình ghi nhận lúc khám, bệnh sử có giật mình ≥ 2 lần/ 30 phút; bệnh sử có giật mình kèm theo một dấu hiệu như ngủ gà, mạch nhanh > 130 lần/ phút (khi trẻ nằm yên không sốt) là độ 2b.
Độ 3 và độ 4 là trẻ vào tình trạng rất nặng.
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phai theo dõi sát, phát hiện sớm, phân độ đúng và điều trị phù hợp. Trường hợp nặng xử trí theo nguyên tắc hồi sức cấp cứu.
Ở trạm y tế, phòng khám tư nhân chỉ điều trị ngoại trú bệnh TCM độ 1. Từ độ 2a trở lên hoặc độ 1 với trẻ dưới 12 tháng hoặc trẻ có bệnh phối hơp kèm theo cần phải chuyển tuyến. Tại bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân khám,điều trị bệnh TCM độ 1 và 2a. Trẻ ở độ 2a có bệnh phối hợp kèm theo cần chuyển lên tuyến trên điều trị.
Tỉnh Khánh Hòa trong 6 tháng đầu năm ghi nhận 326 trường hợp mắc bệnh TCM, tăng dần từ tháng 5, tháng 6. TP. Nha Trang ghi nhận 143 trường hợp, huyện Vạn Ninh 79 trường hợp, huyện Diên Khánh 38 trường hợp, TX. Ninh Hòa 30 trường hợp, TP. Cam Ranh 16 trường hợp, huyện Cam Lâm 15 trường hợp, huyện Khánh Sơn 4 trường hợp và huyện Khánh Vĩnh 01 trường hợp TCM. Gần 80% là trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 0-36 tháng; 95% trẻ mắc bệnh từ 5 tuổi trở xuống. Ngày 25/6/2023, tỉnh ghi nhận 01 trường hợp tử vong do TCM tại huyện Vạn Ninh.Tác nhân gây bệnh là EV71.